Sếp có kiểu giận của sếp, nhân viên có kiểu giận của nhân viên, không ai hiểu ai và không ai chịu thua ai, cứ rập rà rập rình. Sếp giận, sếp bực mắng nhân viên xa xả, nhân viên bực thì xỉa xói đâm thọc sếp. Nhân viên thì tự hỏi: Tui cũng làm hết sức rồi, ông tưởng tìm người giỏi như tôi dễ lắm à? Sếp thì xâm xia: Rước mày về làm cho tao mà mày võ mồm võ miệng thế à? Nhìn doanh thu đi, nhìn sự phát triển của công ty đi, thật tồi tệ, làm ăn thế à?
Sếp giận
Cuối tháng, cuối năm mọi người đang vắt giò lên cổ mà chạy đua, việc chồng đống việc, ai làm bên lĩnh vực kinh doanh còn bị áp lực nặng nề bởi hai từ “ doanh số” giành cho nhân viên và “doanh thu” giành riêng cho sếp. Doanh số không đạt nhân viên bị dòm ngó, doanh thu không có sếp méo mặt đăm chiêu, và… cuộc chiến tranh về tâm lý có cơ hội bùng phát.
Nếu khéo léo giải quyết, trên dưới đồng nhất thì chiến tranh nhanh chóng bị dập tắt, còn nếu không… thế nào cũng có “những lời nói mà không ai thích nghe” và “bà hỏa” trong lòng cũng chòang thức giấc.
Khi nóng giận, nếu không kiềm chế sẽ dễ bộc lộ những tính xấu của cá nhân,
khi nguôi ngoai thì thật “ê mặt” và “hối hận”.
Cách nóng giận trong công sở nó không ầm ĩ chửi bới nhau inh tai nhức óc như những người ngòai chợ, ngòai đường, mà nóng giận nơi công sở có trình độ hơn nhiều: cái nhìn bén như dao lam, lời nói không âm ĩ nhưng chua như chanh và có những kiểu không hề nói mà được truyền tải qua mail nội bộ, qua giấy kiểm điểm và những cuộc họp nội bộ nghiêm trọng.
Giận nhau thì làm gì được nhau, la hét um xùm lên khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, không khí nội bộ như cái lò hơi, ai cũng bốc “hỏa” căng thẳng và căng thẳng, tâm trạng làm việc cũng “căng thẳng” theo. Ích lợi gì? Giận nhau, mọi người ghìm mặt vào máy tính, chạy ù ù ngòai đường (saler) nhưng kết quả được gì? Đôi khi còn tồi tệ hơn, làm cho khỏang cách sếp- nhân viên ngày càng xa, và đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện tình trạng nhảy việc, bỏ việc và đuổi việc. Khi nóng giận, nếu không kiềm chế sẽ dễ bộc lộ những tính xấu của cá nhân, khi nguôi ngoai thì thật “ê mặt” và “hối hận”.
Chỉ một phút nóng giận, thấy mình bị “lép vế” viết đơn xin nghĩ việc, chỉ một phút không hài lòng, kí quyết định cho nhân viên thôi việc. Có đáng không? Tại sao không suy xét ngọn nguồn, cùng tìm ra nguyên nhân cũng có trình độ Đại học này Đại học nọ, thậm chí ôm vài ba cái bằng ‘gối đầu giường” thế mà không nén nổi “cơn giận”.Tìm việc phù hợp, tìm được người thạo việc, thời nay đâu có dễ, tốn công tốn sức, tốn tiền tốn của chỉ vì “cơn giận"? Nhiều khi ngẫm nghĩ thấy cũng “lạ”.
Nếu bạn muốn mọi người đối xử tốt với bạn hãy tôn trọng và lịch sự với họ
Cuộc chiến tranh nóng và nảy, nhẫn và nhịn, bực và tức, cáu và giận cứ thế mà diễn ra như “ liên khúc” đốt cháy từng giai đọan, từng mối quan hệ.
Một số biện pháp hạ hỏa:
Kiểm soát tốt bản thân: sự nóng giận chỉ làm cho mối quan hệ của bạn thêm xấu đi và điều này còn khẳng định sự non nớt trong việc biểu lộ cảm xúc của bạn.
Nhìn nhận lại sự việc: Hãy cho bản thân có thời gian suy xét lại mọi việc khiến mình nóng giận, nếu không qua 1đáng thì hãy nở nụ cười ‘bỏ qua”.
Không lẫn lộn việc riêng tư: đừng mang bộ mặt “đưa đám” vào nơi công sở chỉ làm không khí thêm nặng nề.
Lưu tâm quy luật cho – nhận: Nếu bạn muốn mọi người đối xử tốt với bạn hãy tôn trọng và lịch sự với họ.
“Sơ cứu” nhanh: dù đã cố hạ hỏa, nhưng tình hình vẫn không chuyển biến hãy: hít thật sâu, dồn hơi xuống bụng rồi thở ra thật chậm, đếm từ 1 đến 6 và lập lại vài lần; thư giãn cơ mặt, xoa bóp các vùng cơ quai hàm, trán và miệng; đi bộ, tìm không khí trong lành và thư giãn.
---------------
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: gopy@congso.com